Abby's Playlist


MusicPlaylistView Profile
Create a playlist at MixPod.com

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Ban Mai

Hình: Getty Images
2.-
Trăng là một trong những hình ảnh nổi bật trong thơ Hàn Mặc Tử, có lẽ ông là một trong ít thi nhân có những câu thơ nói về trăng lạ lùng, kinh dị và độc đáo nhất. Ông nhân hóa trăng như người con gái:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
(Bẽn lẽn)
Trăng cũng có mùi vị:
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô"
(Huyền ảo)
Ông xem trăng như tài sản của riêng mình, trăng là của mình, nên tự ý rao bán:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò
(Trăng vàng trăng ngọc)
Hàn Mặc Tử đang tự hỏi lòng, vẫn biết câu hỏi sẽ rơi vào hư vô, hy vọng của mình là hy vọng hão huyền nhưng ông vẫn ước:
Mơ khách đường xa, khách đường xa.
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà!
Bây giờ, Hàn Mặc Tử đã rơi vào mộng thật rồi, Hàn đang tưởng tượng có người phương xa đến thăm chàng, mơ “khách đường xa, khách đường xa” được lặp lại hai lần trong một câu diễn tả tâm trạng thiết tha mong ngóng đến độ khẩn thiết. Nơi chàng ở, cô liêu quá, người đời hắt hủi chàng, xa lánh chàng, ghê sợ chàng, chàng đang sống cô lập ở một nơi xung quanh bạt ngàn đồi cát trắng, trên một bờ biển hoang vắng ít dấu chân người, bạn của chàng là tiếng sóng vỗ, là tiếng thông reo, tri kỷ của chàng là ánh trăng đêm. Đêm nay, mơ thấy em về nhưng em mờ ảo quá, anh không thấy gì cả. “Áo em trắng quá nhìn không ra” hay vì anh nhìn em từ một cõi xa xăm nào. Bởi vì, trong đời sống bình thường làm gì có màu trắng nào là màu trắng không thể nhìn thấy được. Bút pháp của Hàn Mặc Tử lúc này đã rơi vào tâm linh, siêu thực.
Ai biết tình ai có đậm đà!

Từ hy vọng Hàn Mặc Tử đã rơi vào niềm tuyệt vọng, câu cảm thán cuối cùng của Hàn cũng vừa là một câu hỏi, vừa khẳng định vừa nghi vấn. “Ai biết tình ai” là một cặp từ phiếm chỉ nhiều tầng nghĩa, vừa gần gũi vừa xa vời.  Có phải Hàn Mặc Tử đang muốn biết tình cảm của cô gái đối với mình có còn không? Hay Hàn đang muốn người phương xa biết tình mình vẫn ngày đêm mong ngóng? Một câu hỏi không có hồi âm, nó thiết tha mà nghẹn ngào xót tủi như cái ngơ ngác của kẻ đứng trước ngã ba đường tiến thoái lưỡng nan, đi về phía nào cũng thấy cụt đường, không còn phương hướng nữa.
Chu Văn Sơn đã từng bình thật hay: Khép lại bài thơ, người đọc có thể thấy rõ mạch liên tưởng “cóc nhảy” đứt đoạn, bất định trong ba khổ thơ. Khổ đầu: một ước ao thầm kín ngấm ngầm bên trong lại cất lên như một lời mời mọc từ bên ngoài, nỗi hoài niệm âm u lại mang gương mặt sáng sủa của khát khao rực rỡ. Khổ hai: một ước mong khẩn thiết dâng lên thoắt trở thành một hoài vọng chới với nghẹn ngào. Khổ ba: một niềm mong ngóng vừa ló dạng hướng ra thế giới bên ngoài đã vội biến thành mối hoài nghi hướng vào nơi đang tồn tại. Mối u hoài nối ba khổ thơ tách biệt ấy còn được thể hiện bằng một “sợi dây” liên kết khác nữa: Ba khổ thơ đều ngầm chứa ba câu hỏi với bốn chữ ai rãi đều trong lòng bài thơ (Vườn ai? Thuyền ai? Ai biết tình ai?) khiến chúng vang lên thành giọng điệu da diết khắc khoải. Vậy là, nếu lối liên tưởng “cóc nhảy” tạo ra một văn bản hình tượng đầu Ngô mình Sở, thì dòng lưu chuyển cảm xúc đau thương dưới dạng u hoài khắc khoải kia lại tạo ra một âm điệu nhất quán, liền mạch. Phi logic ở bề mặt, nguyên phiến, nguyên điệu ở bề sâu, đó chính là siêu logic, đây là nét thi pháp điển hình của “Đây thôn Vĩ dạ”.[13]
Chế Lan Viên, trong khi chỉ ra cách đọc thơ Hàn Mặc Tử cũng đã từng viết:  Bị truy kích bởi cái chết, Tử hối hả, dồn dập sáng tạo chứ đâu có làm văn! Anh trút đời mình, lòng mình từng trận, từng hơi chứ đâu có ngồi điêu khắc, chạm trỗ từng câu, từng chữ. Ta hiểu anh không phải từng câu, từng chữ, mà từng hơi.[5]
Trong bài “Đây thôn Vĩ dạ” Hàn Mặc Tử đã viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt gồm 3 khổ 12 dòng,  mỗi khổ 4 câu 7 chữ nhưng với phong cách sáng tác hoàn toàn mới, nhà thơ đi từ bút pháp tả thực, đến tượng trưng, rồi siêu thực.
Hai câu thơ … “Áo em trắng quá nhìn không ra,  Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”… mang màu sắc tâm linh, kinh dị. Thực ra, như Chu Văn Sơn nhận xét: …vẻ kinh dị trong thơ Hàn không quá xa lạ. Chúng ta đã từng tiếp nhận trong truyền thống ở những chuyện ma quái dân gian nhưLĩnh nam chích quái, “Việt điện U linh”, “Truyền kỳ mạn lục cả đây đó trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du… và đương thời Hàn Mặc Tử cũng có nhiều đồng minh trên con đường phiêu lưu vào thế giới của cái kinh dị như Chế Lan Viên, Thế Lữ, Vũ Bằng… song, có thể nói “Quyết đi tìm sự lạ” chính là động cơ lớn chi phối hành trình sáng tạo của Hàn Mặc Tử. [13; 43] Trong tiểu luận “Nghệ thuật là gì?” Hàn Mặc Tử đã viết: Quăng mình đi giữa cái vũ trụ mênh mông, vượt ra theo những nguyện vọng cao xa, những cái ý nghĩa, ấy là do cái năng lực tinh thần mạnh mẽ nó thúc giục mình (…) Bồn chồn, ta quyết đi tìm sự lạ.[6]
Có người cho rằng Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng lớn chủ nghĩa siêu thực của Baudelaire.[20] Ông đã thụ lĩnh từ tác giả “Ác hoa” một cảm quan ma quái để đi vào thế giới đau thương, rồi cứ bị thôi miên bởi vẻ đẹp kỳ lạ, kinh dị.[13] Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần lý giải theo chiều hướng khác, dưới góc nhìn của văn học so sánh. Đây chính là hiện tượng tương đồng khi có cùng hoàn cảnh sáng tác trong sáng tạo nghệ thuật. Thật vậy, Hàn Mặc Tử mang bệnh nan y, ông luôn ở trong tình trạng cô đơn, ám ảnh từ cái chết nên thế giới ông đầy ma quái, nhất là những đêm trăng tròn bệnh “hủi” phát tán mãnh liệt gây đau đớn quằn quại, trong lúc nửa mê nửa tỉnh như vậy thơ ông tuôn ra mang hình ảnh siêu thực là điều đương nhiên, không thể nói thơ ông lúc ấy làm do ảnh hưởng Baudelaire. Có chăng, thơ Hàn Mặc Tử là sự kết hợp tâm hồn đặc biệt của ông và nền văn hóa Pháp trong bối cảnh phong trào Thơ Mới những năm 30 của thế kỷ 20.
Bài thơ “Đây thôn Vĩ dạ” từ khi mới ra đời đã được người đọc đón nhận một cách nồng nhiệt và trân trọng, thi phẩm được đánh giá là một trong ít bài thơ tả cảnh làng quê xinh đẹp, nên thơ hay nhất trong phong trào Thơ Mới lúc bấy giờ.
Đây cũng là bài thơ nổi tiếng, tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Hàn Mặc Tử đi từ tả thực – tượng trưng đến siêu thực.
Bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” thực chất không phải là một bài thơ tả cảnh làng quê của Hàn Mặc Tử, thi nhân đã mượn cảnh để nói cái tình của mình. Nhân bức bưu ảnh gửi tặng của người xưa, ông hoài niệm về một mối tình đã qua. Bài thơ bắt đầu bằng một câu hỏi và cuối cùng kết thúc như một câu hỏi, thi nhân hy vọng vào tình yêu nhưng không dám tin vào tình yêu, bởi vì Hàn Mặc Tử biết đó là mối tình tuyệt vọng, mâu thuẫn ấy là một tâm trạng đau thương, bởi Hàn biết mình đang đi dần vào cõi chết. Bài thơ này làm trong giai đoạn cuối của cuộc đời ông.
Bài thơ khép lại nhưng câu thơ “Ai biết tình ai có đậm đà!” như vẫn còn rung mãi trong lòng người đọc như tiếng ngân của một điệu hò. Tứ thơ và lời thơ tuy buồn lay hiu hắt đã sắc đậm màu lục của lá trúc cắt vào lòng khách thơ, đến nỗi, không ít khách phương xa về qua Huế,  không ai lại không muốn đến thăm “miền thôn Vĩ dạ ấy” để được tận mắt chứng kiến một lần thôn Vĩ của Hàn Mạc Tử, được tận mắt nhìn thấy những nhà vườn Huế ẩn khuất bóng dáng của một đôi mắt và được sống dưới hàng cau mướt xanh đậm tình người…
Văn chương, cũng như cuộc đời, mang thăng trầm của giông bão chịu những định kiến từ quan điểm giai cấp hay phê phán hữu khuynh, từ sau 1945 đến năm 1986 dòng văn chương lãng mạn đã không được chấp nhận. Tài liệu hướng dẫn giảng dạy Văn học lớp 12 năm 1983 của Nhà xuất bản Giáo dục đã từng ghi: “Về nội dung, đây là dòng văn học bạc nhược, suy đồi, tiêu cực, có tính chất phản động, tuy có ít nhiều yếu tố tích cực. Do đó, sau bài khái  quát này, chương trình hiện hành không đưa tác phẩm cụ thể vào kế hoạch học giảng văn, tuy sách giáo khoa có giới thiệu bài thơCây đàn muôn điệu của”của Thế Lữ để học sinh đọc thêm. Chúng ta cũng nên khuyên học sinh không nên đọc sách báo lãng mạn…” [7], với quan niệm trên, thi ca Hàn Mặc Tử càng bị bài xích vì tư tưỏng siêu thực, thoát ly cuộc sống, “Đây thôn Vĩ dạ” cũng nằm trong tình trạng ấy. Chính cách đánh giá lạc hậu này từ một nền thẩm mỹ đóng khung, đã làm cho bao thế hệ học sinh bị thiệt thòi trong việc tiếp cận những áng văn thơ tuyệt tác của đất nước.
Văn chương theo đất nước rẽ vào những nhánh sông đổi mới, tuy chưa ra biển lớn “Đây thôn Vĩ dạ” đã tìm lại vị trí xứng đáng của một thi phẩm tuyệt tác của một tài thơ lớn trên thi đàn Việt Nam. Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay từng là thân phận của “Đây thôn Vĩ dạ”, ngày nay, đã được giảng dạy trong chương trình trung học phổ thông.
Một tiếng thơ lớn, là một tiếng thơ mà lịch sử không xóa được.
BAN MAI
24/4/2011
--------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Thi nhân Việt Nam _ Hoài Thanh – Hoài Chân NXBVH 2000
[2] Chuyển dẫn theo Phan Cự Đệ – Thơ văn Hàn Mặc Tử phê bình và tưởng niệm. NXB.GD H, 1993 tr 343
[3] Theo tài liệu của Trần Thanh Địch, nhà văn, bạn thân của Hàn Mặc Tử
[4] Hình tượng bí ẩn này đã có quá nhiều suy diễn và tranh cãi, đến nỗi có một lần Chế Lan Viên phải thốt lên: “ Con gái mặt chữ điền thì đẹp gì mà Hàn Mặc Tử phải ca ngợi”. Thôi thì, người cho rằng gương mặt ấy là của chính nhà thơ. Bình giảng bài thơ này, ông Lê Trí Viễn cho rằng: “mặt chữ điền, theo dân gian Huế là khuôn mặt phúc hậu của các cô gái”. Còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng hình tượng mặt chữ điền trong Văn học Việt Nam thường dùng để chỉ gương mặt cương nghị của các chàng trai.
[5] Chế Lan Viên – Lời giới thiệu tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB Văn học, 1987
[6] Hàn Mặc Tử – Nghệ thuật là gì? Báo Sài gòn 26/10/1935
[7] Tài liệu hướng dẫn giảng dạy Văn học lớp 12 phổ thông, tập I.tr11. NXBGD, 1983
[8]Văn học và thời gian – Trần Đình Sử, NXB.VH, 2000.
[9]Đọc văn và học văn – Trần Đình Sử, NXB.GD, 2002.
[10]Một thời đại trong thi ca – Hà Minh Đức, NXB.ĐHQG Hà Nội, 2002.
[11]Tác phẩm văn chương trong trường phổ thông – những con đường khám phá- Vũ Dương Quý – Lê Bảo, NXB.GD, 2002.
[12]Đến với thơ hay – Lê Trí Viễn
[13]Thơ Điên của Hàn Mặc Tử thi học của cái “tột cùng” – Chu Văn Sơn, TCVH số 11/2000.
[14]Con mắt tâm linh văn hóa phương Đông trong thơ Hàn Mặc Tử – Đoàn Thi Hương Giang, TCVH số 11/2000.
[15]Chữ và nghĩa trong thơ – Mã Giang Lân, TCVH số 4/2000.
[16]Hàn Mặc Tử trong đời sống phê bình trước 1945 – Nguyễn Toàn Thắng, TCVH số 4/2001.
[17]Ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp đối với phong trào Thơ Mới Việt Nam 1932 – 1945 – Trần Huyền Sâm, TCVH số 12/2001.
[18]Các lý thuyết thi pháp học cấu trúc – Trịnh Bá Đĩnh, TCVH số 8/2002.
[19]Lý luận văn học tập 3. – Phương Lựu (chủ biên)- NXBGD, 1988.
[20] Charles Baudelaire (1821-1867) là nhà thơ lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX thuộc trường phái tượng trưng. Baudelaire sinh tại Paris, mồ côi cha lúc 6 tuổi, mẹ tái giá và đã gửi ông vào một ký túc xá. Ông theo gia đình sang Ấn Độ vào năm 1841, sau đó trở về Paris, sống cuộc đời kham khổ, thiếu thốn và bắt đầu sáng tác. Thi sĩ đã gặp vài kiều nữ như Jeanne Duval, Marie Daubrun, Apollonie Sabatier, và chính những người phụ nữ đẹp này đã đem nhiều cảm xúc, cuồng nhiệt và thi hứng cho những dòng thơ chập chờn mộng ảo của ông , năm 1867 ông bị  bệnh ốm nặng, qua đời sau một thời gian bị bại liệt tàn phế. Thi phẩm Les fleurs du mal (Hoa khổ đau hay còn dịch là Ác hoa, xuất bản 1857) là một thi phẩm nổi tiếng của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét