Abby's Playlist


MusicPlaylistView Profile
Create a playlist at MixPod.com

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

LONG XUYÊN TRONG KÝ ỨC

                                       Bút ký TRẠCH THIỆN

            Cái tên “Long Xuyên” không thể phai mờ trong lòng tôi qua những năm tháng thăng trầm của cuộc đời. Long Xuyên có lúc thật hãnh diện là tên một tỉnh miền Tây Nam Việt màu mỡ trù phú. Rồi sau đó, theo sự đổi thay của thời cuộc và địa giới, tên tỉnh Long Xuyên được đổi thành An Giang – có lúc kết hợp cùng tỉnh láng giềng Châu Đốc, có lúc lại để cho người bạn láng giềng tách ra thành một tỉnh ngang hàng với chính mình. Nhưng Long Xuyên chưa bao giờ mất đi cái tên gọi một thành phố tráng lệ và êm đềm , nằm trên hữu ngạn sông Hậu Giang, trung tâm hành chánh và kinh tế của tỉnh Long Xuyên lúc trước và An Giang sau đó.
            Tôi sinh tại vùng quê An Giang và chỉ đến với tỉnh lỵ Long Xuyên giữa mùa chinh chiến, sau khi thi hành lệnh động viên khóa 26 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Từ Trường Bộ Binh Thủ Đức ra, tôi được biệt phái sang Tổng Bộ Xây Dựng và đến với thành phố nầy vào một ngày nắng nóng của đầu mùa xuân nhiệt đới nhưng mát rượi với dòng nuớc Cửu Long Giang xanh trong. Thuở đó hầu hết các thành phố miền Nam Việt Nam đều điêu tàn sau biến cố Tết Mậu Thân (1968); riêng chỉ Long Xuyên vẫn còn an lành với dáng vẻ thanh bình bên cạnh cuộc chiến tranh Việt Nam càng ngày càng khốc liệt.
            Nay ngồi viết về Long Xuyên giữa khung trời thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhộn nhịp, lòng tôi cảm thấy xúc động thật nhiều trước người xưa cảnh cũ và ký ức,…


            Tôi nhớ con đường Trần Hưng Đạo chạy ngang qua đầu đường Nguyễn Tri Phương – bên hông Tòa Hành Chánh Tỉnh – dẫn đến sở làm của tôi. Tôi đã lê mòn gót giầy trên quãng đường chưa đầy nửa cây số nầy trong những buổi nắng sáng ấm áp cũng như dưới những cơn nắng trưa chói chang nóng bức. Cũng trên lộ trình nầy, hằng ngày tôi ngắm nhìn chiếc vélo-solex của người con gái có khuôn mặt đẹp dịu hiền, có mái tóc dài buông xõa trên bờ vai, giản dị trong chiếc áo dài trắng, ngược xuôi đi làm tại một ty ngoại thuộc Tòa Hành Chánh Tỉnh. Hình ảnh dễ mến của người con gái đó đã tác động vào lòng tôi từng giây phút bồi hồi của tuổi đầu đời. Thế là tôi đã quen nàng và mối tình đầu nẩy nở - một mối tình êm đềm cao thượng, dịu mát như dòng nước Hậu Giang. Mối tình đó không thành tựu vì hoàn cảnh khắc nghiệt của người trai thời chiến, nhưng những ấn tượng thân thương vẫn còn đậm nét trong lòng tôi.

            Tôi cũng mang nhiều kỷ niệm với con đường Gia Long, con đường rộng rãi chạy ngang qua trước Tòa Hành Chánh Tỉnh, nối từ con dốc cầu Hoàng Diệu, sau khi qua khỏi cổng trường trung học Thoại Ngọc Hầu. Trong nắng sớm, từng đoàn học sinh lũ lượt đến trường; những tà áo dài trắng nữ sinh như những cánh bướm lượn trên cành hoa. Hình ảnh dễ yêu và đầy tình tự dân tộc một thời nay đã mất đi sau ngày Cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam ! Đường Gia Long còn với những quán ăn sáng, những điểm nấu cơm tháng cho công chức quân nhân, vừa nhộn nhàng vừa thầm lặng. Nhớ những bữa cơm thanh đạm, những ly trà đá mát giọng trong các buổi trưa hè, những mẩu chuyện phiếm giữa những kẻ xa nhà đến với Long Xuyên, sống quãng đời phiêu bạt trong chiến tranh.

           
         Long Xuyên với con đường Lê Lợi chạy qua các bờ hồ lặng lẽ, tình tứ và mộng mơ. Trong những chiều tan sở, lãng đãng trên đường Lê Lợi, tôi ngước nhìn các hàng cây cổ thụ bên lề, theo dõi những chiếc lá rơi mà buồn nhớ đến những bạn bè đang dấn thân, mạng sống rơi rụng giữa tuổi hoa niên trên vạn nẻo chiến trường. Hoặc hướng về dòng Cửu Long giang cuối tầm mắt bên kia hồ, tôi dõi trông những chiếc tắc-ráng lướt sóng để lòng trở về những phút giây tĩnh lặng.

            Từ khu hành chánh tỉnh lỵ, qua một trong hai chiếc cầu đúc Hoàng Diệu và Duy Tân tráng lệ để tới khu phố chợ rộn ràng. Nhớ đến khu chợ sầm uất nhỏ nhắn nhưng đã có lần thật vĩ đại dưới mắt tôi thuở còn là học sinh trong vườn ra tỉnh lần đầu. Nhớ bến bắc An Hòa đông đúc, chật hẹp, nắng cháy trên bờ nhưng thật mát mẻ trên mặt nước, những tia nước tung tóe trước những con tàu lướt sóng nhấp nhô… Nhớ công viên Trưng Vương rộng rãi, nhớ con đường Tự Do chạy ra công trường “đèn bốn ngọn”, những nơi mang sắc thái phức tạp của những mẫu đời ngày đêm sống bên lề xã hội, tất tả ngược xuôi, lương thiện và xảo trá, …

            Trong thời chiến, Long Xuyên quả là một ốc đảo thanh bình. Long Xuyên chẳng những nguyên vẹn sau tết Mậu Thân ( 1968 ) mà còn an lành trong những tháng ngày của “ mùa hè đỏ lửa 1973” và những ngày đen tối trước và sau 30-4-1975. Long xuyên không có nếp sống ăn chơi hưởng thụ vội vàng với hình ảnh của những người lính viễn chinh, không có những điệu nhạc nhảy nhót quây cuồng đêm đêm bên cạnh tiếng súng đại bác vọng về từ những chiến trường đẫm máu kế cận. Sau 10 giờ đêm, Long Xuyên vắng vẻ dần để đến 11 giờ đêm, đường phố hầu như hoàn toàn lặng lẽ. Khu phố chợ náo nhiệt ban ngày nhường lại cho những dãy hàng rong: bánh mì ba tê, chè cháo, hột vịt lộn, đậu phộng nấu,…phục vụ cho một ít khách quá bước đến tỉnh hoặc đi chơi đêm.
            Hai mươi lăm năm xưa, tôi đã đến với Long xuyên trong khung cảnh đó và đã rời khỏi Long Xuyên vì nhu cầu của cuộc chiến tranh đang tiếp diễn. Tôi trở ra đơn vị tác chiến, bỏ lại sau lưng một thành phố êm đềm và một mối tình đầy mộng đẹp. Tôi từ giã Long Xuyên mang theo nỗi lòng thổn thức đối với cảnh cũ người xưa. Trước mắt tôi là một cuộc sống phiêu bồng, một tương lai tắc nghẽn như chiến cuộc lúc bấy giờ.

            Hai mươi lăm năm sau, trong cuộc sống lưu vong nơi đất khách hiện nay, có lần tình cờ gặp lại người xưa nhưng cả hai đều đã đi vào các ngả rẽ của cuộc đời. Ký ức vẫn chưa phai mờ mà mái đầu đã điểm bạc, thế hệ kế tiếp đã thay chỗ đứng của mình rồi, Không thể kéo thời gian trở lại được. Chỉ tiếc cảnh cũ giờ đây vẫn còn đang đắm chìm trong tối tăm mù mịt của một chế độ chánh trị đã lỗi thời nhưng vẫn còn khả năng tồn tại.

TRẠCH THIỆN
 Kỷ niệm những ngày vừa đặt chân trên đất Mỹ, 1993.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét