Abby's Playlist


MusicPlaylistView Profile
Create a playlist at MixPod.com

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Hương tình đầu

– Dạ, chào bác.
– Chào cháu.
– Loan đi học chưa bác?
– Nó sắp đi đó. Loàn à, đi học đi con. Vọng đợi con nè.
Chẳng cần mẹ nói tên, tôi cũng đã biết đó là tiếng của Vọng. Hàng ngày Vọng vẫn qua rủ tôi đi học. Nhà Vọng cách nhà tôi một mặt đường và một khu vường rộng. Đường đến trường chỉ mất khoảng 15 phút, nhưng chúng tôi thường đi sớm 5 phút để khỏi vội vàng.
Tôi học lớp 11, Vọng học lớp 12. Vọng hơn tôi một tuổi. Vả lại, tình láng giềng giữa hai gia đình rất đậm đà thân thiết, coi nhau như ruột thịt, nên tôi vẫn gọi Vọng là anh. Nghe tiếng anh, tôi cũng vừa chải đầu xong. Thường ngày tôi ra ngay, nhưng hôm nay tôi còn nấn ná chút xíu, vuốt lại mái tóc, ngắm mình trong gương với một thoáng kiêu sa. Con gái có những nét “kiêu” vậy đó. Lâu quá, không thấy tôi ra, mẹ giục:
– Đi học, Loan à. 7 giờ kém 15 rồi.
Tôi lẳng lặng đi ra, dịu dàng nói:
– Thưa mẹ, con đi học.
Vọng họa theo:
– Thưa bác, con đi học.
Mẹ tôi khẽ gật đầu, nói:
– Ừ, các con đi học kẻo trễ.
Hàng ngày mẹ tôi vẫn thường lặp lại cái điệp khúc đơn điệu đó, không gì lạ, nhưng hôm nay, hai tiếng “các con” làm tôi e lệ làm sao ấy! Tôi thấy “giận” mẹ vô cớ… Và tự dưng tôi cũng “ghét” lây qua Vọng.
Ra khỏi cổng, tôi lặng lẽ lên xe, không cười không nói huyên thuyên như mọi ngày. Vọng đạp xe bên tôi một cách “ngoan ngoãn”. Đi một đoạn đường khá xa mà không ai nói với ai. Không khí có vẻ nặng nề, Vọng”cứu vãn” bâng quơ:
– Trời hôm nay hơi lạnh.
Tôi vẫn “bằng chân như vại”, chẳng thèm đếm xỉa tới câu nói “tội nghiệp” ấy. Giá như mọi ngày, tôi đã sôi nổi góp chuyện, thậm chí nhiều khi tôi vẫn hồn nhiên “khai mào” trước chứ đâu như hôm nay. Tôi nghĩ:
– Cũng lạnh thật.
Vọng chuyển đề:
– Hôm nay sao vậy? Bệnh hả?
Trời ơi, tức không chứ? Nói trống vậy đó. Lại còn trù ẻo cho người ta bệnh nữa. Ăn nói gì mà không có chủ từ gì cả. Như được nước, được đằng chân lân đằng đầu, như lửa thêm dầu, tôi càng lặng im một cách khó chịu. Vọng hỏi dồn:
– Làm bài tập Anh văn xong chưa?
Tôi trả lời cộc lốc, nhưng không dám xẳng giọng:
– Chưa.
– Sao vậy?
– Khó.
– Sao không đưa mình chỉ cho?
Tôi “đóng băng”. Có bao giờ tôi bất lịch sự vậy đâu chứ?
Vọng chẳng bao giờ xưng “anh” hoặc “tôi” với tôi, ngay cả với bạn bè hoặc những người nhỏ hơn, mà chỉ xưng là “mình”, có kẹt lắm mới xưng “tôi”. Tiếng “mình” của Vọng thật thân ái và dễ thương, nhưng lúc này sao tôi thấy “ghét” ghê!
Vọng khá Anh văn. Khi có gì không hiểu, tôi vẫn hỏi Vọng. Cả ngày Chúa Nhật hôm qua, tôi đã định sang nhờ Vọng giảng lại mấy chỗ khó. Cứ đứng dậy lại ngồi xuống. Cuối cùng, tự ái đã giữ tôi lại. Chỉ vì hôm thứ Bảy vừa rồi…
Không thấy tôi nói gì, Vọng tiếp:
– Khó phần nào? Grammar hay tense?
– Cả hai.
Hình như Vọng chau mày và lên giọng:
– Bài nào?
– Ai biết!
Vẫn giọng điệu cộc lốc như một đoạn nhạc ngắn có nét staccato với những nốt nhạc rơi xuống khô khốc. Vọng im lặng. Tôi cũng thi gan nối tiếp khoảng im lặng. Thế là suốt quãng đường còn lại chẳng ai nói gì.
Hai tiết đầu là Anh văn. Tôi còn đang loay hoay mở sách, bỗng nghe thầy gọi:
– Nguyễn Kiều Phượng Loan.
Hèn chi sáng nay mắt phải tôi nháy hoài! Tôi lững thững cầm tập lên đưa cho thầy kiểm tra. Bỗng mắt thầy dừng lại và ngước lên nhìn tôi.
– Sao em không làm hết bài?
– Dạ, hôm qua em nhức đầu quá. Em còn thiếu mấy câu sau.
– Đây là lần đầu tiên, thầy tha. Lần sau em không được như vậy nữa, nghe chưa? Thầy cho em 5 điểm.
– Dạ.
Tiếng “dạ” của tôi nhẹ đến nỗi hầu như không nghe rõ. Trời đất như quay cuồng. Tôi cúi gằm mặt về chỗ. Mắc cở quá! Và hình như tám mươi con mắt đang đổ dồn về phía tôi. Nhức đầu chỉ là cái cớ.
Cái se lạnh của mùa Đông đang ấm dần với những tia nắng bình minh. Tôi thả hồn mơ màng trong ánh nắng, giận hờn vu vơ… Hai tiết học nặng nề trôi. Giờ ra chơi tôi cũng không buồn rời chỗ. Hồng “quậy” sà tới chỗ tôi.
– Ê, sao còn ngồi đó như ông địa vậy?
Tôi không “phản pháo”. Mắt hơi cay.
– Nghe tao nói không, mày? “Nắm lấy cô” (1) là trung bình rồi. Có gì mà buồn?
Tôi uể oải lắc đầu rồi gục mặt xuống bàn. Yến “lãng mạn” cũng “bay” đến rồi cao giọng:
– What happens? (2)
Hồng phụ họa rất… Tây:
– I don’t know. Maybe she’s crying now! (3)
Yến vẫn giọng “lai căng”:
– Thôi mà “mít ướt”, my little princess! (4)
Bộ ba chúng tôi vẫn thường có những mẩu đối thoại “bỏ túi” như vậy để “thực hành”, kiểu Anh ngữ thực dụng. Tôi vẫn ngồi lì một chỗ. Hồng chạy đi một lát rồi trở lại với bịch cóc, ổi. Hai đứa nó ăn ngon lành. Tôi thèm muốn chết nhưng vẫn cố nén lòng cho ra vẻ “lâm ly bi đát”. Lỡ rồi, phóng lao phải theo lao. Chơi luôn! Yến nói giọng cải lương:
– Phải chăng cô nương đã bị “mũi tên tình ái” bắn trúng quả tim rồi chăng?
Hồng thêm vào:
– Hay là “tiếng sét ái tình” đã đánh trúng cô nương?
Hồng và Yến cười như nổ điện đường dây cao thế. Tôi giận điên lên được, đứng phắt dậy và quát:
– Im!
Trống điểm vừa đúng lúc vang lên. Ba tiết sau lại nặng nề trôi. Các câu thơ và các phản ứng hóa học cứ đua nhau nhảy múa trong đầu tôi. Tôi lơ đãng nhìn vào khoảng không ở phía tấm bản trước mặt, chẳng để ý gì đến lời giảng…
o0o
Trống điểm tan trường. Tôi thu dọn “chiến trường” một cách lười biếng. Nắng trưa đổ vàng sân trường. Tôi chưa muốn về ngay. Tôi còn đang nghĩ miên man, Yến “gãi đúng chỗ ngứa”:
– Hôm nay tụi mình đi “cứu đói” nghe. Lâu rồi “hội” cho đỡ buồn. Đồng ý?
Hồng nhảy lên như ngựa hí:
– Số dzách ló. Ngộ lồng ý cả tứ chi à!
Sân trường chỉ còn lác đác vài tà áo trắng cuối cùng đang ra phía cổng. Hồng “thăm dò”:
– Ê Loan, sao hôm nay mày như mất hồn vậy?
Yến châm biếm:
– Nó đang dạo khúc “Romance” hay “Mười Năm Tình Cũ” gì đó. Thấy mặt nó như bánh bao chiều không?
Tôi vùng vẫy:
– Thôi nha! Đèn nhà ai nhà nấy rạng à.
Hồng xen vào:
– Biết đâu chừng?!
Tôi cũng chẳng vừa:
– Mau đi hai bà. Nói hoài. Coi chừng thừa nói thiếu ăn đó!
Yến cự nự:
– Bộ mày “ngon” hơn tụi tao hả?
Lại một tràng cười “rùng rợn” khiến tôi cũng không nhịn được. Như dự định, dọc đường, chúng tôi ghé vào quán Tao Ngộ. Gần đến, Yến đã nhận ra chiếc xe đạp “màu thời gian” của Vọng. Và dĩ nhiên có cả anh Châu cận và anh Hoàng còm. Anh Vọng được chúng tôi gọi bằng biệt danh Nguyễn Bỉnh Khiêm, vì lúc nào cũng trầm ngâm tư lự như cụ đồ vậy. Hồng “khai chiến”:
– Chàng “suy tư” của mày kìa! Chàng hôm nay cũng có vẻ “mây lang thang” quá “chời” đi!
Yến nhí nhảnh hát nhẹ:
– Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không…
Tôi phụng phịu:
– Tụi mày chọc quê tao nữa tao “dzông” về luôn đó!
Yến năn nỉ:
– Thôi mà. Em lỡ dại, xin chị thông cảm… gió.
– Đồ quỉ sứ! – Tôi nhõng nhẽo.
Nửa muốn vào, nửa muốn không. (Tôi chỉ làm ra vẻ “có giá” vậy thôi!). Hồng và Yến biết tôi là dân “mít ướt” nên đành phải xuống nước:
– Thôi mà…
Giọng nó kéo dài như kẹo kéo và “nhựa” như chè nếp vậy. Anh Châu ngước mắt kiếng lên khi thấy chúng tôi bước vào.
– “Cứu đói” chứ tam vị cô nương? Ngồi đây cho vui.
Yến “lễ phép”:
– Dạ, tụi em ngồi đây được rồi.
Anh Hoàng mỉa mai:
– Chà! Hôm nay các cô “mầu nhiệm” quá nha!
Quán này chúng tôi và nhóm anh Vọng thường ghé vào, quen đến nỗi có thể “ký” được. Chè không có gì đặc sắc nhưng… rẻ, nên chúng tôi cứ đùa là “chè cứu đói”. Nhạc ở đây hợp “gu” chúng tôi lắm. Nhiều khi chúng tôi ngồi ở đây thưởng thức nhạc hòa tấu hoặc nhạc tuyển có khi đến hai CD. Dĩ nhiên thưởng thức cả chè cứu đói nữa. Chị Hạnh đã quen, chẳng cần gọi, chị cũng “rinh” lại cho chúng tôi ba “cối” chè. Bản nhạc tiếp theo là ca khúc Tuổi Mười Ba, phổ thơ Nguyên Sa, nghe thật nhẹ nhàng, dễ chịu:
Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím…
Chẳng ăn nhằm gì tới tôi, nhưng tôi cứ thấy bản nhạc hay hơn thường ngày. Tôi nhẩm theo:
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu!
Hết nửa ly chè, bản nhạc đã kết thúc. Tôi giục Hồng và Yến về. Tụi nó cứ lần lữa. Tôi cương quyết:
– Tao về trước.
Hồng xua tay:
– Gì vội vậy? Hai phú nữa. Đợi tao “cà lảm” đã nào!
Tôi bảo thủ ý kiến. Hồng và Yến đành phải chiều theo. Anh Vọng bây giờ mới lên tiếng:
– Chút nữa về chung cho vui.
Yến nhanh trí:
– Dạ, tụi em có chuyện ghé vào nhà nhỏ bạn chút. Tụi em về trước nha!
Vừa lên xe được một quãng đường, ba anh chàng đã xuất hiện bên chúng tôi. Thế là “bể mánh”! Chuyện nổ như bắp rang. Riêng tôi không nói gì. Hình như anh Vọng cũng ít nói chuyện. Con gái thật kỳ cục, “chuyên gia nói ngược”. Nói ghét đấy, nhưng mà…
Ai về nhà nấy, còn anh Vọng và tôi. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Ông bà xưa nói không sai. Tôi vẫn nối dài sự im lặng. Chợt Vọng hỏi:
– Bộ Loan giận mình hả?
– Không. – Tôi đáp khẽ.
– Loan không thích về chung? Tại Châu cứ…
Tôi ngắt lời:
– Không.
Vọng cười:
– Sao làm mặt hình sự vậy?
Tôi kiêu hãnh:
– Ai?
– Loan.
Vẫn nét staccato, tôi đáp gọn:
– Không.
Tối nay gọi ca đoàn đi tập hát nha.
– Không.
– Sao cái gì cũng không vậy?
Tôi định “ừ” liều nhưng kịp chặn lại. Nếu là Vọng chắc tôi cũng phải bực mình với cái điệp khúc “không” nhạt nhẽo và khô khốc ấy. Vẫy bổn cũ soạn lại và ra vẻ ngây ngô:
– Không biết!
Vọng đành im lặng theo. Vọng trầm tư nhưng rất nghệ sĩ. Từ bộ tóc để dài tới cách ăn mặc trông khá “bụi”, bình dị nhưng gọn gàng. Vọng viết nhạc từ năm 16 tuổi và làm ca trưởng của ca đoàn từ vài năm qua. Ba đứa chúng tôi, cả anh Châu và anh Hoàng đều là ca viên, nên chúng tôi rất thân nhau. Tôi được giao nhiệm vụ thư ký, vì ai cũng bảo chữ tôi đẹp. Ở vùng quê rất hiếm người có “tài vặt” như Vọng. Anh luôn hăng say với nhiệm vụ, dù anh vẫn gọi đó là “rách viêc”, chỉ “vác tù và hàng tổng”, lo chuyện “bao đồng”. Vọng tập hát và đệm đàn cho ca đoàn. Vọng còn có hoa tay, cắt chữ và trang trí rất khéo. Có lẽ vì vậy mà Vọng được mọi người “lưu ý”. Chúng tôi luôn vẫn coi Vọng như anh cả.
Thật ra tôi có giận ghét gì Vọng đâu. Thứ Bảy vừa qua, trên đường đi học về, xe tôi bị hư, anh Châu và anh Hoàng đã phải nai lưng giữa trưa nắng để sửa xe cho tôi. Tội nghiệp nhỏ Hồng và nhỏ Yến cũng phải phơi nắng với chúng tôi. Anh Châu nói với theo:
– Vọng, đợi chút, mày!
– Tao có chuyện cần.
– Xạo mày.
Thế là Vọng đạp đi thẳng một nước. Tôi giận hết chỗ nói. Còn đang lan man nghĩ thì đã đến cổng nhà tôi. Vọng nói cầu may:
– Loan nhớ gọi bạn đi tập hát nha.
Tôi lặng lẽ rẽ xe vào cổng. Mẹ tôi đứng ở cửa, hỏi:
– Con học gì mà lâu quá vậy?
Tôi ngó đồng hồ. Gần 1 giờ. Tôi nói:
– Dạ. Hồng và Yến rủ con đi ăn chè nên về trễ đó mẹ. Mẹ ăn cơm chưa?
– Chờ con lâu quá, mẹ và các em ăn trước rồi. Ba con ngày mai mới về. Nghỉ rồi ăn cơm đi con.
Tôi ngoan ngoãn vừa dẫn xe vào vừa đáp:
– Dạ.
Mẹ tôi hỏi theo:
– Thứ Bảy tuần rồi Vọng có đi học không mà sao mẹ không thấy sang rủ con?
Tôi biết như tôi nói đại:
– Con không để ý.
Mẹ tôi trầm giọng:
– Tội nghiệp hai mẹ con bác Nguyên. Có hai mẹ con mà phải vất vả sớm khuya. Hôm rồi nhiều hàng quá, sáng chở không hết, đi học về Vọng lại phải chở nữa, đến tối mịt bác gái mới về.
Nghe mẹ nói vậy, tôi như trút được gánh nặng. Tôi mỉm cười:
– Ai nói mẹ nghe vậy?
– Hôm qua mẹ sang bác ấy chơi.
– Vậy hả, mẹ?
Mặt tôi bừng lên vì mắc cở, tự thẹn với lòng mình. Bồng bột quá! Chưa gì đã giận hơn vu vơ. Tôi tự thấy mình ích kỷ quá!
o0o
Nằm trên giường mãi không chợp mắt được. Tôi cố dỗ giấc ngủ mà ý nghĩ cứ ngổn ngang vây quanh tôi. Càng giận bao nhiêu thì giờ này tôi càng thấy hổ thẹn bấy nhiêu. Phải chăng khi thấy mình ích kỷ cũng là lúc bắt đầu yêu? Không, “nhất định mình chưa yêu”.
Vọng rất “con trai”, rất “đàn ông tính”. Vọng không bao giờ tâng bốc ai hoặc rào trước đón sau, không thiên vị, rất hòa đồng nhưng thẳng tính, và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, dù là những chuyện nhỏ. Thì ra là anh Vọng đã bận chở hàng cho bác gái, thế mà tôi đã…
Tôi không dám nghĩ tiếp. Tôi lăn người sang một bên để xua tan ý nghĩ. Gia đình nghèo nhưng anh rất có chí. Có lần tôi hỏi:
– Học xong, anh sẽ làm gì?
– Mình sẽ làm giáo viên. Giờ rảnh thì làm thơ hay viết nhạc.
– Anh tham lam quá!
– Không phải. Nhưng thơ và nhạc sẽ giúp mình khuây khỏa sau những giờ cực nhọc. Tuy phù phiếm, nhưng đó là nấc thang giúp mình vươn lên. Dĩ nhiên gởi đi thì có bài được đăng và có bài không được đăng. Mà cũng còn tùy người biên tập tờ báo đó có “hợp gu” không. Con người mà. Làm sao tránh khỏi thiên vị hoặc vây cánh.
– Nghề sư phạm bạc bẽo và nghèo lắm.
– Mình đã có gốc nghèo rồi, đâu sợ nghèo nữa. Vả lại, làm thầy rất cao quý. Tuy tiền bạc eo hẹp nhưng có niềm vui riêng của nghề. Đi dạy về, làm thơ và viết nhạc, vậy là vui rồi. Làm gì cũng phải có niềm đam mê mới có thể làm được, cứ vì cái này hay cái nọ thì sao làm được?
– Anh lý tưởng hóa.
– Cần phải lý tưởng hóa để sống, Loan à. Hoàn cảnh mình thiếu thốn vật chất, mình không muốn tinh thần cũng nghèo nàn. Loan không nhớ Gordon đã nói rằng “nếu chưa làm được những gì mình muốn thì ít ra cũng phải muốn những điều mình có thể làm” sao?
– Anh triết lý quá.
– Không đâu. Mình chỉ nói những gì mình nghĩ và muốn. Còn Loan mơ ước làm gì?
– Em thích làm bác sĩ.
– Bác sĩ chữa bệnh cho thầy giáo thì đừng “chém” nha.
– “Chém” đẹp!
– Lương y như từ mẫu mà ác quá vậy? Chắc là lương y như… hà bá.
Tôi nhõng nhẽo:
– Anh này!
– Nghề “bán cháo phổi” dễ bị lao lắm. Bác sĩ có “ớn” không?
– Ơ, em đã là bác sĩ đâu nào?
– Ví dụ vậy đi.
Tôi cúi đầu lặng im. Hoàn cảnh Vọng nghèo nên đôi khi thoáng có những ý tưởng có vẻ bi quan yếm thế, và hình như vương chút mặc cảm lẫn chút “gàn”.
Giá mà tôi là em của anh Vọng nhỉ! Tôi sẽ làm mọi chuyện cho anh để anh có thời gian làm những gì anh muốn. Đan Vọng, tên của anh là một ước mơ đơn sơ. Nhưng trong hoàn cảnh của anh, làm sao có thể khác hơn được? Mắt tôi như có giọt cảm thông. Và rồi tôi thiếp đi trong những ý tưởng đang còn lênh láng…
Anh Vọng đi học sư phạm được một năm thì tôi cũng vừa mãn chương trình trung học phổ thông. Tôi nghiễm nhiên trở thành “bà tú” – “tú tài” chứ không phải “tú bà” đâu nha!. Rồi gia đình tôi chuyển lên thành phố. Tôi có về quê thăm xóm làng được một lần, một phần do công việc bận rộn, rồi từ đó, tôi không biết tin tức gì về gia đình anh Vọng và bạn bè nữa…
Một buổi sáng, trên đường tới bệnh viện, bỗng tôi nghe tiếng gọi:
– Loan!
Tôi dừng xe lại và dáo dác nhìn quanh. Một người đàn ông đến bên tôi vừa cười vừa nói:
– Loan không nhận ra ai sao?
Tôi bỡ ngỡ:
– Anh Vọng. Anh đi đâu đây?
– Mình về thành phố mua ít sách cho học sinh. Loan đi làm hả? Vào đây uống nước đã, được không?
– Dạ.
Tám năm qua, anh vẫn không đổi cách xưng hô, vẫn vẻ trầm tư như xưa. Ghét ghê đi! Anh có chút già dặn hơn. Mái tóc vẫn bồng bềnh nghệ sĩ. Tôi dẫn xe theo anh vào quán.
– Loan uống gì? Cà-phê hay sữa?
– Cảm ơn anh. Em không uống.
– Sợ thầy giáo phải “tháo giầy” hả?
Trầm tư đấy. Nhưng khi nói chuyện, anh vẫn dùng những kiểu nói khôi hài tự nhiên, đơn giản, đơn giản như tên anh vậy: Đan Vọng.
– Không.
– Lại cái điệp khúc ngày xưa.
– Thôi. Chọc quê em hoài.
Anh cười và vẫn gọi cho tôi một ly cà-phê sữa đá. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi ngoan ngoãn như một con chiên hiền lành. Tôi lặng im hồi lâu và nghe mặt nóng bừng như choáng men, dù nắng rất nhẹ đổ ngoài đường. Tôi ấp úng:
– Anh dạy… xa nhà… không?
– Cũng xa.
– Còn bác gái?
– Mẹ mình ở với người chị ở Vũng Tàu. Còn Loan?
– Em vẫn đi làm hàng ngày. Em chuyên khoa mắt, mới ra trường được một năm, chưa gặp ca nào đặc biệt.
– Thầy giáo hại mắt lắm. Hôm nào có dịp, nhờ bác sĩ khám mắt và đặt cho cặp kính dày cỡ “đít chai” nha.
Anh cười bật thành tiếng. Tôi cũng bật cười theo.
– Anh có dạy kèm không?
– Có, nhưng ít lắm. Ở vùng quê, Anh văn là “món” xa xỉ. Lương lậu cũng “khiêm tốn”.
– Về nhà em chơi đi. Má em nhắc anh hoài.
– Cảm ơn Loan và hai bác. Mình phải về dạy kịp chiều nay. Hẹn khi khác hoặc hè rảnh, mình sẽ ghé thăm. À, cho gởi lời hỏi thăm hai bác và các em nha. Mà Loan cũng còn phải đi làm kia mà?
– Không sao đâu anh. Hôm nay em chỉ ghé bệnh viện chút xíu thôi.
– Để dịp khác đi. Loan cho địa chỉ và số điện thoại chứ?
– Dạ.
Tôi lấy viết ghi cho anh những thông tin cần thiết, rồi đưa cho anh và “đòi”:
– Địa chỉ và số điện thoại của anh nữa chứ?
– Vâng, thưa cô nương!
Tôi bẽn lẽn nhìn ra xa.
– Tiến và Nhung sao rồi?
– Tiến đang học sư phạm như anh, còn Nhung đang học lớp 12.
Thế là anh Châu đang dạy chung trường với anh Vọng, còn anh Hoàng làm kỹ sư trên Bảo Lộc. Hồng vừa lấy chồng về Thủ Đức. Yến thì dạy Toán ở Long An và sắp sửa lên xe hoa.
– Cho em gởi lời hỏi thăm anh Châu nha.
– Xong ngay!
Tôi miên man nghĩ về bao kỷ niệm xưa của một thời áo trắng. Thời gian vụt qua quá mau khiến tôi tưởng chừng như mới hôm qua. Vài chiếc áo trắng chạy xe ngang qua ngoài đường, tôi nghe lòng mình bồi hồi xao xuyến. Bất ngờ gặp anh Vọng, rồi lại phải chia tay. Hè bỗng lại ùa về trong tôi…
o0o
Đã 10 giờ đêm mà tôi vẫn chưa buồn ngủ, cứ đọc đi đọc lại lá thư vừa viết cho anh Vọng:
Saigon, ngày… tháng… năm…
Anh Vọng mến,
Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp, ngay cả kỷ niệm buồn nhất. Em rất vui khi gặp lại anh. Thời áo trắng với bao mơ ước tuyệt vời, nên thơ và trong sáng, phải không anh? Cái gì qua sẽ qua đi. KKỷ niệm còn lại mãi, vẫn là kỷ niệm.
Thời gian không tiện nên hôm gặp anh, em không thể nói trức tiếp với anh. Anh à, khi anh nhận được thư này thì em đã xa anh nửa vòng trái đất. Em mãi mãi ấp ủ kỷ niệm thư sinh và anh luôn là người em quý mến. Ở anh, em học được nhiều điều. Em phải đi theo gia đình, và em cũng muốn tu nghiệp thêm ở nước ngoài. Khi nào ổn định, em sẽ viết thư và gọi điện cho anh. Một ngày nào đó em sẽ trở về phục vụ tại Việt Nam.
Anh là Nguyên Sa, còn em là thơ của Nguyên Sa. Chúc anh may mắn và thành công. Hẹn gặp lại anh.
Em,
Nguyễn Kiều Phượng Loan
Đêm xuống. Không gian vùng quê tĩnh mịch. Ai cũng đi ngủ sớm, có xem ti-vi cũng chỉ xem phim giải trí trước 9 giờ. Đường vắng. Thi thoảng vài tiếng chó sủa vọng lại từ xa. Ánh trăng đổ đầy sân. Trăng vắt ngang ngọn cây trông thật hữu tình và thi vị. Tôi dạo vài vòng sân rồi vào giường nằm.
Vài ngày nữa tôi sẽ đi xa. Tâm sự của người sắp xa xứ vui buồn lẫn lộn. Tôi lại nghĩ về anh. Hy vọng anh hiểu ý những gì tôi viết trong thư, và mong sao “xa mặt” nhưng không “cách lòng”…
Tôi có thói quen tìm giấc ngủ bằng cách nghe radio hoặc nghe nhạc. Đêm nay tôi không muốn nghe radio mà mở dĩa nhạc trữ tình. Không biết là ngẫu nhiên hay Ý Chúa, ngay bài đầu là ca khúc “Ngậm Ngùi” của Phạm Duy phổ thơ Huy Cận: “…Sợi buồn con nhện giăng mau, em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Lòng anh mở với quạt này, trăm con chim mộng về bay đầu giường. Ngủ đi em, mộng bình thường…”. Giai điệu dìu dặt, ca từ buồn man mác, nhưng tôi tin tình cảm tôi dành cho anh sẽ không ngậm ngùi. Ước mộng của tôi cũng rất bình thường thôi! Thiên Chúa là Tình yêu, tôi nguyện tín thác đường đời cho Chúa quan phòng…

TRẦM THIÊN THU

(1) “Nắm lấy cô” là đọc lái, nghĩa là “cố lấy năm” (điểm).
(2) Chuyện gì xảy ra vậy?
(3) Tao không biết. Chắc là nó đang khóc!
(4) Công chúa bé nhỏ

Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét